12/08/2016
Kinh nghiệm du lịch Mù Cang Chải sẽ giúp bạn có một hành trình thuận lợi hơn khi lên Mù Cang Chải chiêm ngưỡng những bậc thang lưng chừng trời. Huyện Mù Cang Chải thuộc tỉnh Yên Bái, phía tây giáp huyện Than Uyên của tỉnh Lai Châu, phía đông giáp huyện Văn Chấn cùng tỉnh, phía bắc giáp huyện Văn Bàn của tỉnh Lào Cai, phía nam giáp huyện Mường La của tỉnh Sơn La.
Muốn đến được huyện Mù Cang Chải phải đi qua đèo Khau Phạ – là một trong tứ Đại Đèo của Tây Bắc. Nơi đây được chia thành hai mùa là mùa khô và mùa mưa, mát mẻ về mùa hè và lạnh về mùa đông. Nhờ cảnh sắc núi rừng hùng vĩ, mây trời đồi núi trùng điệp và bàn tay cần cù của người lao động làm nên những thửa ruộng bậc thang trải dài tới lưng chừng trời. Tất cả tạo nên vẻ đẹp mà không bút mực nào tả hết.
Những kinh nghiệm du lịch Mù Cang Chải dưới đây sẽ giúp bạn có thông tin du lịch hữu ích nhất !
Thời điểm phù hợp nhất để bạn xách ba lô lên và đi tới Mù Cang Chải có hai thời điểm trong năm. Đến hẹn lại lên, vào giữa tháng 5 và 6, khi nước được dẫn về và bà con bắt đầu cấy lúa, Mù Cang Chải bước vào “mùa nước đổ”. Thiên nhiên nơi đây hiện lên với màu của đất nâu loáng thoáng in bóng mây trời trên mặt nước óng ánh như gương. Những ngày này Mù Cang Chải khoác lên mình chiếc áo mới đầy màu sắc mộc mạc thay cho một màu xám xịt của gốc rạ.
Thời điểm thứ 2 là từ tháng 9 đến tháng 10,lúc này Mù Cang Chải lại mang một màu sắc đẹp tới nao lòng với những dải lúa vàng óng thấp thoáng bóng dáng những con người miệt mài thu hoạch thành quả. Và đây sẽ là thời gian mĩ mãn nhất để ngắm “lãnh địa” ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Cang Chải.
Từ TP. HCM bạn ra Hà Nội sau đó đi xe bus hoặc taxi về trung tâm Hà Nội nghỉ ngơi, ăn uống. Bạn nên bến xe Mỹ Đình ăn uống và nghỉ ngơi tại The Garden hoặc Keangnam Landmark 72 tại đường Phạm Hùng. Đến khoảng 13h, đón xe khách ở bến xe Mỹ Đình. Mua vé xe tuyến Hà Nội – Yên Bái tại bến xe Mỹ Đỉnh hay đặt vé ở các hãng xe chuyên tuyến đường này như xe Mười Hoa, xe Hùng Liên, xe Dũng Thả. Vé xe tầm 150k.
Bạn cũng có thể đi thẳng từ sân bay Nội Bài bằng xe bus 84 về ga Hà Nội để đi tàu lên Yên Bái. Tham khảo giờ tàu chạy và mua vé tại: http://gahanoi.com.vn.
Vé tàu khoảng 200k. Sau đó từ Yên Bái thuê xe lên Mù Cang Chải. Yên Bái – Mù Cang Chải 160km
Bạn có thể tới Mù Cang Chải bằng ô tô hoặc xe máy. Nếu di chuyển từ Hà Nội, thông thường bạn sẽ mất khoảng 8 – 9 tiếng.
Di chuyển bằng xe máy: Yên Bái cách Hà Nội khoảng 180km. Từ Hà Nội, bạn có thể đi Yên Bái theo nhiều đường khác nhau. Từ trung tâm Hà Nội chạy thẳng quốc lộ 32 qua qua cầu Trung Hà (Ba Vì), qua huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), rồi qua thị trấn Nghĩa Lộ, xã Tú Lệ (huyện Văn Chấn) của Yên Bái đến Dế Xu Phình đi qua đèo Khau Pạ là tới Mù Cang Chải với 8 tiếng chạy xe.
Hoặc:
Cầu Thăng Long, QL2, Phúc Yên, Việt Trì, Đoan Hùng, thẳng QL70 là đến Yên Bái (Tuyến đường này dễ đi nhất và gần nhất).
Hoặc:
Cầu Thăng Long, Phúc Yên, Vĩnh yên, Lập Thạch, Sơn Dương, QL37, Tuyên Quang, Yên Bái.
Tới nghĩa lộ nghỉ ngơi
Lưu ý khi đi xe máy:
– Với địa hình nhiều núi cao và đèo dốc hiểm trở như Khau Phạ, đèo Ách, bạn cần hạn chế tốc độ khi di chuyển.
– Bạn không nên đi buổi đêm vì tầm nhìn hạn chế cũng như vấn đề an ninh, hỏng xe… tại những nơi hẻo lánh.
– Bạn cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ và các trang thiết bị cho xe. Chú ý tốc độ trên cung đường quốc lộ 32 từ Hà Nội tới Ba Vì, đoạn qua địa phận tỉnh Phú Thọ sẽ có nhiều điểm kiểm tra.
Di chuyển bằng xe riêng: Từ trung tâm Hà Nội chạy xe qua Võ Chí Công, đến Võ Nguyên Giáp tại Vĩnh Ngọc. Đi theo ĐCT05 đến Hà Nội Lào Cai tại An Thịnh. Đi ra từ ĐCT05, Đi theo ĐT163 đến QL32 tại Gia Hội chạy thẳng QL 32 lên Yên Bái. Đi bằng ô tô qua tuyến đường này có thu phí. Tới Yên Bái bạn phải thuê xe máy để di chuyển thuận tiện hơn khi ở đây.
Ngoài ra, bạn cũng có thể đi hết đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, lên Sa Pa và qua đèo Ô Quy Hồ, sau đó qua Tân Uyên và Than Uyên của Lai Châu để tới Mù Cang Chải. Nên chọn đi một đường và về một đường để có thêm trải nghiệm.
Di chuyển bằng xe khách: Bạn có thể chọn với nhiều hãng xe chất lượng cao như Hài Vân, Ngân Hà hoặc bắt xe khách theo tuyến Hà Nội – Than Uyên để đi qua Mù Cang Chải. Tuy nhiên, các điểm tham quan nằm rải rác trên nhiều xã và các bản làng, vì vậy bạn tới đây phải thuê xe máy để di chuyển chủ động hơn.
Di chuyển tại Mù Cang Chải: Tại Mù Cang Chải có 3 điểm cho thuê xe máy, với giá 150.000-200.000 đồng/ngày tùy thời điểm.
Trang web When On Earth đã mô tả về Mù Cang Chải rằng: “đây quả là vẻ đẹp tinh tế và hút hồn nhất, và có lẽ độc đáo hơn bất cứ nơi nào trên thế giới”
Những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ này đã được hình thành rất lâu đời từ bản thiết kế do người xưa cách đây vài thế kỷ tạo nên. Các phiến đá nằm xen lẫn giữa ruộng bậc thang, bên đường và quanh các thôn bản tại các xã Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Lao Chải, Dế Xu Phình nhưng tập trung nhiều nhất ở Tàng Ghênh thuộc xã Lao Chải.
Các thửa ruộng bậc thang ở ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Zế Xu Phình đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp hạng là danh thắng quốc gia.
Đèo Khau Phạ là đèo hiểm trở và dài nhất trên tuyến quốc lộ 32 được mệnh danh là một trong tứ đại đèo với độ dài trên 30 km. Tên gọi của đỉnh núi này trong ngôn ngữ của dân tộc Thái nghĩa là “Sừng Trời” (chiếc sừng núi nhô lên tận trời), do các chóp núi thường nhô lên giữa biển mây bao quanh như một chiếc sừng. Đèo Khau Phạ có điểm khởi đầu là đoạn cắt quốc lộ 32 với quốc lộ 279.
Từ thành phố Yên Bái, ngược theo quốc lộ 32 chừng 5 giờ đồng hồ, qua xã Tú Lệ là tới đèo Khau Phạ. Qua Khau Phạ là Mù Cang Chải. Trong suốt chiều dài của đèo có đến vài chục đoạn cua gấp khúc tay áo. Vào những ngày mây mù, đèo đặc biệt nguy hiểm cho cánh lái xe vì con đèo không có rào chắn hay bất cứ biển cảnh báo nào. Ít có xe tải lớn qua lại trên con đường này vì độ dốc của đèo khiến cho quãng thời gian đi lại trở nên quá dài.
Khung cảnh nhìn từ đèo Khau Phạ đẹp nhất vào mùa lúa chín, tầm tháng 9 tháng 10, khi lúa trên chân ruộng bậc thang Tú Lệ chín vàng mờ ảo trong sương sớm. Đây là thời điểm mà nhiều khách du lịch mạo hiểm chinh phục đèo nhìn Khau Pạ hiện ra rực rỡ giữa đất trời xanh thẳm, mang vẻ đẹp hùng vĩ tới nao lòng.
Tú Lệ giữa mùa thu, khoảng cuối tháng 10, lúa chín vàng ươm, mùa gặt náo nức rộn ràng, mùi cơm lúa mới theo gió bảng lảng khắp sườn đồi… Khiến Tú Lệ được ví như mang vẻ đẹp của cô gái miền sơn cước. Thung lũng Tú Lệ sát đèo Khau Pạ, mềm mại uốn lượn lên triền núi. Tú Lệ hiện lên vẻ đẹp điển hình vùng núi Tây Bắc, ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp cùng màu lúa vàng óng hay hình ảnh người dân lom khom cấy lúa cùng con trâu cày ruộng tạo nên một bức tranh tuyệt mỹ.
Được thiên nhiên đặc biệt ưu đãi, Tú Lệ còn sở hữu dòng suối nước nóng quanh năm đã nức tiếng gần xa, dòng suối nóng bản Chao nằm giữa trung tâm xã. Là nơi người dân nơi đây “tắm tiên” với một ý nghĩa kết nối cộng đồng vô cùng cao đẹp. Du khách tới đây có thể đắm mình trong dòng suối nóng tuyệt hảo này.
Bản làng Pú Nhu vào sáng sớm nhìn làn sương bảng lảng trên thửa ruộng mâm xôi. Bản làng Pú Nhu không chỉ mang vẻ đẹp bình yên của những thửa ruộng bậc thang mà còn mang vẻ đẹp oai hùng của con thác Pú Nhu đổ nước tung bọt trắng xóa ngày đêm.
Thác Pú Nhu được bắt nguồn từ các con suối trên các cánh rừng đầu nguồn từ Lào Cai đổ về với cột nước hơn 20m. Ở khu vực thác, nhiệt độ cao nhất trong năm khoảng 26 độ C, khí hậu trong lành, mát mẻ. Những thềm đá nước chảy êm đềm qua mảng rong xanh tạo nên nét hoang sơ của con thác và tới đây bạn không thể bỏ qua cơ hội “trầm” mình thả hồn theo dòng nước, quên đi những lo toan bộn bề của cuộc sống.
Qua chiếc cầu ở ngay trung tâm huyện (hướng đi Chế Tạo) rồi rẽ trái đi khoảng 1km sẽ tới bản Thái. Bản Thái với những mái nhà đơn sơ thấp thoáng giữa thung lũng, lưng tựa vào núi. Đây là một bản làng nhỏ bình yên với cuộc sống. Tới đây bạn có thể thưởng thức các món ăn đặc sản của người Thái như xôi nếp, cá nướng, thịt lợn gác bếp, rau rừng,.. và tắm nước lá thuốc theo cách cổ truyền của người Thái, nghỉ ngơi tại nhà sàn và cùng tổ chức các buổi giao lưu, đốt lửa trại.
Lúa ở Lìm Mông sẽ chín đều trong khoảng hai tuần từ 20/9 đến 3/10. Du khách có thể cùng người thân, bạn bè tới đây ngắm lúa chín, cảm nhận cuộc sống thanh bình ngày mùa. Xưa nay, bản vẫn nằm chìm trong mây, là nơi dân phượt mong muốn tới tận cùng. Nơi đây hấp dẫn cũng đầy thách thức.
La Pán Tẩn cùng với Chế Cu Nha và Dế Xu Phình là 3 xã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng danh thắng di tích cấp quốc gia. La Pán Tẩn nằm cách thị trấn Mù Cang Chải15km có vẻ đẹp của những ruộng bậc thang được ví như đẹp tựa “vân tay của trời”.
Chế Cu Nha là một xã của huyện Mù Cang Chải, nằm cách trung tâm huyện khoảng 7km về hướng Hà Nội, đường vào xã khá dốc và khó đi.
Nằm cách thị trấn Mù Cang Chải 20 km.
Ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình là thiên đường của lúa chín, mỗi đội tháng 9, 10 nơi đây dường như thay da đổi thịt, trở nên vô cùng rực rỡ và có sức hút khó cưỡng với bất kỳ ai.
Trong các bản làng lợn đen được chăn thả tự do nên thịt chắc, thơm. Từ nguyên liệu đó kết hợp với các cách chế biến lâu đời đã cho ra các món ăn say lòng du khách. Bên cạnh các món nướng, luộc lợn được kẹp cây rừng nướng tẩm ướp với gia vị rừng đặc trưng của vùng như hạt mắc khén, hành tươi… cho vào lá rong tươi bọc vài lớp, kép tre nướng trên bếp than hoa. Khi thưởng thức, món ăn ngon lạ kỳ với mùi thơm quyến rũ của những gia vị quyện với vị ngọt của thịt khiến người ăn khó thể cưỡng lại.
Từ chân đèo Khau Phạ phía bên Tú Lệ đi lên khoảng 7km sẽ tới khu vực nhà hàng Khau Phạ, đây cũng là một trong những trang trại nuôi Cá Hồi lớn của Miền Bắc, số lượng cá nuôi ở đây lên tới 10.000 con, cá giống hoàn toàn được nhập và nuôi theo công nghệ từ Châu Âu. Nhiều món ngon từ Cá Hồi (hoặc Cá Tầm) được chế biến tại đây để phục vụ khách du lịch như: gỏi, lẩu,.. Nếu đi đoàn đông các bạn có thể vào làm nồi lẩu cho bữa trưa của mình.
Châu chấu có quanh năm nhưng nhiều nhất vào mùa gặt, khoảng tháng 5 và tháng 9. Vào mùa, châu chấu rang với lá chanh và ớt thơm ngậy, giòn béo là món ăn hấp dẫn khi đến Mù Cang Chải.
Cua suối sống trong các hốc đá trên suối ở vùng cao. Thịt cua suối thơm, chắc và có thể chế biến được nhiều món. Một tring những món ngon nhất của cua suối là cua suối rang muối. Cua sau khi bắt về bóc mai, rửa sạch để cho ráo nước. Cho dầu vào chảo đun sôi, bỏ tỏi vào xào thơm sau đó cho cua vào đảo cho đều, rắc muối lên rang cho đến khi cua chín vàng đem ra thưởng thức với vi vừa thơm vừa giòn và ngọt.
Xôi ngũ sắc là món ăn phổ biến trong các dịp lễ tết của đồng bào Tây Bắc, đặc biệt với người Thái tại Yên Bái. Xôi được nầu từ gạo nếp nương hạt dài chắc mẩy thơm ngon kết hợp cùng các nguyên liệu tự nhiên nhuộm màu cho xôi. Mỗi màu xôi là một loại lá cây rừng mang một hương vị khác nhau như: Màu xanh, đỏ được làm từ cây cơm xôi xanh, cơm xôi đỏ. Với loại màu đen hay tím, người nấu dùng lá cây gùn.. Tất cả tạo nên một đĩa xôi thơm dẻo mang hương vị núi rừng đầy màu sắc.
Bánh chưng đen là món ăn độc đáo của người Thái Mường Lò tại tỉnh Yên Bái. Bạn có thể bắt gặp món ăn này trong các phiên chợ.
Điều đặc biệt của bánh chưng đen là hình dáng của bánh và màu sắc. Người Thái gói bánh chưng hình trụ. Gạo nếp nương được ngâm với lá cây núc nác để có màu đen đặc trưng. Các nguyên liệu bao gồm lá dong rừng, thịt lợn rừng hoặc lợn cắp nách. Khi ăn, bánh sẽ được cắt thành từng khoanh nhỏ hoặc ăn nguyên cả chiếc sẽ thấy vị dẻo và thơm bùi từ vỏ tới nhân bánh.
Tên gọi độc đáo này nghĩa là “cá gập nướng” trong tiếng Thái. Họ thường chỉ sử dụng cá chép suối để nướng. Cá được chế biến theo công thức truyền đời của người Thái, đó là dùng quả mắc khen, gừng, tỏi, rau thơm để ướp vào thịt cá sau đó đặt lên than hoa nướng trực tiếp. Thịt cá suối mềm, ngọt thơm hòa quyện với các loại gia vị khiến cho món ăn trở nên đặc biệt.
Với các món nướng của người Thái, lá mắc mật là nguyên liệu quan trọng. Vì thế gà được mổ moi và nhồi lá móc mật vapf bên trong sau đó đem nướng trên than hoa. Khi ăn kèm thịt gà nướng, thực khách có thể cảm nhận được cả vị chua ngọt của lá mắc mật, vị thanh nhẹ của mắc khen và chút cay của ớt.
Vùng Tây Bắc có nhiều táo mèo nhưng táo mèo Tú Lệ (Yên Bái) là loại ngon nhất. Mùa hoa táo mèo nở rộ vào tháng 3. Vào những ngày tháng 9, khi những cánh đồng lúa Tú Lệ thơm nức mùi lúa chín cũng là mùa thu hoạch táo mèo. Táo mèo ăn có vị chát, thường dùng để ngâm rượu. Những trái táo mèo vàng ươm, mang về rửa sạch, ngâm cùng với rượu nếp. Rượu táo mèo thơm, ngọt, càng uống càng ngọt càng say.Nếu muốn mua quà lưu niệm cho người thân, bạn có thể chọn táo mèo với giá 20.000 – 35.000 đồng một kg
Ở nước ta vốn nổi tiếng với mận tam hoa Bắc Hà, Lào Cai nhưng có lẽ nhiều người dân Yên Bái dù đi xa vẫn khó có thể quên cái vị đậm, chua nhưng không gắt, hơi giòn của mận tam hoa Mù Cang Chải.Thường vào đầu tháng 5 âm lịch, mận chín và bắt đầu mùa thu hái. Giữa núi rừng bảng lảng mây nắng, những vườn mận trĩu quả, nhiều chùm còn xanh, và nhiều chùm đã ngả màu tím.
Du khách lên Mù Cang Chải vào mùa mận chín, không chỉ được ngắm và chiêm ngưỡng không gian kỳ vĩ, bao la, điệp trùng của ruộng bậc thang, những bản làng người Mông yên bình nằm nép mình chênh vênh bên vách núi đá, mà còn được thưởng thức vị ngọt chát giòn tan, mát lạnh của quả mận tam hoa khiến du khách cảm nhận được sự tinh khiết, trong lành của thiên nhiên. Mận ở đây với giá bán tại vườn, mỗi kg mận được 4.000 – 6.000 đồng, mận chọn thì được 8.000 đồng. Giá mận bán tại chợ là từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg. Chắc chắn bạn ăn no cũng không hao túi tiền.
Ngoài ra, các sản phẩm dệt may truyền thống cũng rất đa dạng cho du khách lựa chọn với giá cả phải chăng. Hầu hết là đồ được thêu tay của phụ nữ dân tộc. Bạn có thể mua ở chợ phiên Mù Cang Chải (mở cả ngày, họp vào dịp lễ hội). Bên cạnh đó còn có măng rừng hay cốm giá khoảng 100.000 đồng một kg. Hàng bán ở các quán ven đường Tú Lệ hoặc chợ trung tâm thị trấn Mù Cang Chải.
Du lịch ở Mù Cang Chải chưa phát triển nên các cơ sở lưu trú chủ yếu dưới dạng nhà nghỉ và homestay. Bạn có thể nghỉ tại thị trấn Tú Lệ, Nghĩa Lộ hoặc Mù Cang Chải với các nhà nghỉ: Sơn Ca, Suối Mơ, tại trung tâm thị trấn còn có nhà nghỉ Bưu Điện, nhà nghỉ Moon… Và đặc biệt là mức giá phòng rất rẻ, chỉ 150.000 – 250.000/phòng.Với mùa cao điểm, giá nhà nghỉ có thể dao động trong khoảng 300.000 – 400.000 đồng một phòng. Nếu chọn homestay, mức giá cho một người là 60.000-100.000 đồng.
Giá giao động từ 150.000 – 200.000 phòng/2 người
Chạy xe theo cung đường Hà Nội – Nghĩa Lộ – Tú Lệ – Mù Cang Chải, bạn nên ghé qua Nghĩa Lộ, qua những bản làng như Lìm Mông, Lìm Thái, cánh đồng Cao Phạ, đèo Khau Phạ.
Trên đường đi tiếp đến Mù Cang chải, du khách sẽ đi tham quan vào các bản người Mông ở La Pán Tẩn, Chế Cu Nha cầu Ba Nhà, bản Thái ở huyện Mù Cang Chải – Nơi được công nhận là danh thắng quốc gia, tại đây du khách sẽ thưởng ngoạn các thửa ruộng bậc thang hùng vĩ do chính bàn tay con người tạo ra. Không chỉ mang vẻ hùng vĩ mà những thửa ruộng bậc thang nơi đây chín vàng, mênh mông giữa núi đồi sẽ đem lại cho du khách cảm giác bình yên, thư thả. Nghỉ ngơi tại nhà dân ở bản Thái hoặc khách sạn bên thị trấn và khám phá các con thác, suối, ruộng bậc thang vào ngày hôm sau.
Nếu có thời gian, du khách có thể tiếp tục hành trình qua Than Uyên, đèo Ô Quý Hồ và tới Sa Pa, Lào Cai.
Chuẩn bị những đồ dùng cần thiết như quần áo ấm, áo khoác gió, đồ dùng cá nhân, pin và đồ sạc, máy ảnh và điện thoại, giấy tờ tùy thân.
Nếu bạn đi bằng xe máy, đừng quên trang bị cho mình mũ bảo hiểm đạt chuẩn, đồ bảo hộ tay chân, găng tay, dán phản quang.
Khi đi xe máy trời mưa nên mang áo mưa nguyên bộ, máy sấy tóc, bọc giày.
Thời tiết của Mù Cang Chải khác với khu vực đồng bằng, có thể thay đổi liên tục trong ngày. Thường có mưa về đêm, sương mù vào sáng sớm và trời hửng nắng ban ngày. Bạn nên chuẩn bị áo khoác gió và áo mưa khi tới đây, đề phòng những cơn mưa rừng bất chợt.
Cũng nên đem theo thuốc chống muỗi và các đồ sơ cứu nhỏ gọn vì đường đèo dốc có thể gặp phải sây sát không đáng có.
Trên đây là tổng hợp kinh nghiệm du lịch Mù Cang Chải của mình qua những lần lên Mù Cang Chải du lịch mong rằng những kinh nghiệm du lịch đó sẽ giúp bạn đọc có một chuyến đi du lịch Mù Cang Chải tốt đẹp nhất !
http://mucangchai.info/diem-den/kinh-nghiem-du-lich-mu-cang-chai/